
Sa sút trí tuệ là một hội chứng thường có tính chất mạn tính hoặc tiến triển dẫn đến suy giảm các chức năng nhận thức (ví dụ: khả năng suy nghĩ) ngoài những hậu quả thông thường của quá trình lão hóa sinh học. Nó ảnh hưởng tới trí nhớ, tư duy, định hướng, khả năng hiểu, tính toán, năng lực học tập, ngôn ngữ và khả năng phán đoán. Tuy nhiên, tình trạng này không ảnh hưởng đến ý thức. Sự suy giảm chức năng nhận thức thường đi kèm và đôi khi xảy ra trước sự thay đổi về tâm trạng, kiểm soát cảm xúc, hành vi hoặc động lực.
Sa sút trí tuệ là kết quả của nhiều loại bệnh và chấn thương ảnh hưởng nguyên phát hoặc thứ phát lên não, chẳng hạn như bệnh Alzheimers hoặc đột quỵ.
Trên toàn thế giới, có khoảng 55 triệu người bị sa sút trí tuệ với hơn 60% sống ở các nước có thu nhập thấp và trung bình. Khi tỷ lệ người già trong dân số tăng lên ở hầu hết các quốc gia, con số này có thể tăng lên đến 78 triệu người vào năm 2030 và 139 triệu người vào năm 2050.
Sa sút trí tuệ hiện là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ 7 trong số tất cả các bệnh và là một trong những nguyên nhân chủ yếu gây ra tàn tật và phụ thuộc ở người già trên khắp thế giới. Sa sút trí tuệ ảnh hưởng tới thể chất, tâm lý, xã hội và kinh tế không chỉ đối với bản thân người bị sa sút trí tuệ mà còn ảnh hưởng đến người chăm sóc, gia đinh và xã hội nói chung. Sự thiếu nhận thức và hiểu biết về sa sút trí tuệ dẫn tới những kỳ thị và rào cản đối với việc chẩn đoán và chăm sóc.
Dấu hiệu và triệu chứng
Sa sút trí tuệ ảnh hưởng đến mỗi người theo một cách khác nhau, phụ thuộc vào nguyên nhân gốc, tình trạng sức khỏe và chức năng nhận thức của người đó trước khi bị bệnh. Dấu hiệu và triệu chứng liên quan tới sa sút trí tuệ có thể được biểu hiện trong 3 giai đoạn:
Giai đoạn sớm: Giai đoạn này của sa sút trí tuệ thường bị bỏ qua vì khởi phát từ từ. Triệu chứng phổ biến có thể bao gồm:
Quên
Mất dấu vết của thời gian
Có thể bị lạc đường ở những nơi quen thuộc.
Giai đoạn giữa: Khi sa sút trí tuệ tiến triển đến giai đoạn giữa, các dấu hiệu và triệu chứng trở nên rõ ràng hơn và có thể bao gồm:
Quên sự kiện gần đây và tên của mọi người
Bối rối khi ở nhà
Ngày càng khó giao tiếp
Cần sự trợ giúp chăm sóc cá nhân
Thay đổi hành vi như đi lang thang và lặp lại câu hỏi.
Giai đoạn muộn: Đây là giai đoạn người mắc chứng sa sút trí tuệ gần như bị động và phụ thuộc hoàn toàn. Rối loạn trí nhớ nghiêm trọng, các dấu hiệu và triệu chứng về thể chất trở nên rõ ràng hơn và có thể bao gồm:
Mất nhận thức về thời gian và địa điểm
Khó khăn để nhận ra người thân hoặc bạn bè
Tăng nhu cầu cần được trợ giúp chăm sóc cá nhân
Khó đi lại
Thay đổi hành vi, có thể dẫn tới tình trạng gây hấn.
Các dạng thường gặp của sa sút trí tuệ
Có nhiều dạng sa sút trí tuệ khác nhau. Bệnh Alzheimer là dạng phổ biến nhất và có thể chiếm tới 60 – 70% các trường hợp. Các dạng khác bao gồm sa sút trí tuệ mạch máu, sa sút trí tuệ thể Lewy (tập hợp các protein bất thường phát triển trong tế bào thần kinh) và một nhóm các bệnh sa sút trí tuệ do thoái hóa thùy trán của não. Sa sút trí tuệ có thể phát triển sau một cơn đột quỵ hoặc trong những tình huống nhiễm trùng nhất định như nhiễm HIV, lạm dụng đồ uống có cồn, chấn thương thực thể lặp lại đối với não (được biết như là bệnh não do chấn thương mạn tính) hoặc thiếu hụt các chất dinh dưỡng. Ranh giới giữa các dạng khác nhau của sa sút trí tuệ không rõ ràng và thường tồn tại các dạng hỗn hợp.
Điều trị và chăm sóc
Hiện nay, không có biện pháp nào để chữa trị chứng sa sút trí tuệ. Cho đến nay, các thuốc chống sa sút trí tuệ và liệu pháp làm giảm triệu chứng bệnh được phát triển nhưng có hiệu quả hạn chế và chủ yếu được dán nhãn cho bệnh Alzheimer mặc dù nhiều phương pháp điều trị mới đang được nghiên cứu ở nhiều giai đoạn khác nhau của các thử nghiệm lâm sàng.
Ngoài ra, cần có sự hỗ trợ để cải thiện cuộc sống của người bị sa sút trí tuệ, người chăm sóc và gia đình họ. Mục tiêu chủ yếu của chăm sóc sa sút trí tuệ là:
· Chẩn đoán sớm để thúc đẩy quản lý sớm và tối ưu.
· Tối ưu hóa sức khỏe thể chất, nhận thức, hoạt động và sự khỏe mạnh
· Xác định và điều trị các bệnh thực thể đi kèm
· Hiểu và quản lý các thay đổi hành vi
· Cung cấp thông tin và hỗ trợ lâu dài cho người chăm sóc.
Yếu tố nguy cơ và phòng ngừa
Mặc dù tuổi, được biết là yếu tố nguy cơ lớn nhất của sa sút trí tuệ (khoảng 1/3 số người từ 85 tuổi trở lên có thể mắc một dạng nào đó của hội chứng này) nhưng sa sút trí tuệ không phải là hệ quả tất yếu của quá trình lão hóa sinh học. Hơn nữa, sa sút trí tuệ không chỉ ảnh hưởng đến người già mà còn có thể gặp ở người trẻ (được định nghĩa là người có triệu chứng khởi phát trước 65 tuổi), chiếm khoảng 9% các trường hợp. Nhiều nghiên cứu cho thấy con người có thể giảm nguy cơ suy giảm nhận thức và sa sút trí tuệ bằng các hoạt động thể lực, không hút thuốc, tránh sử dụng đồ uống có cồn, kiểm soát cân nặng, ăn uống lành mạnh và duy trì huyết áp, mức độ cholesterol và đường máu ở mức cho phép. Các yếu tố nguy cơ khác bao gồm trầm cảm, cách ly xã hội, trình độ học vấn thấp, không có hoạt động nhận thức và ô nhiễm không khí.
Tác động xã hội và kinh tế
Sa sút trí tuệ có tác động kinh tế và xã hội đáng kể về chi phí chăm sóc xã hội và y tế trực tiếp và chi phí chăm sóc không chính thức. Năm 2019, chi phí xã hội toàn cầu cho chứng sa sút trí tuệ được ước tính là 1,3 nghìn tỷ USD và chi phí này dự kiến vượt mức 2,8 nghìn tỷ USD vào năm 2030 khi mà cả số người bị sa sút trí tuệ và chi phí chăm sóc đều tăng lên.
Ảnh hưởng đến gia đình và người chăm sóc
Năm 2019, những người chăm sóc không chính thức (hầu hết chủ yếu là các thành viên gia đình và bạn bè) đã dành trung bình 5 giờ mỗi ngày để chăm sóc người mắc chứng sa sút trí tuệ. Điều này có thể sẽ quá tải. Áp lực về thể chất, tâm lý và tài chính có thể gây ra căng thẳng to lớn đối với gia đình và người chăm sóc. Vì vậy, cần có sự hỗ trợ từ hệ thống y tế, xã hội, tài chính và pháp luật. Năm mươi phần trăm (50%) chi phí toàn cầu cho chứng sa sút trí tuệ là do chăm sóc không chính thức.
Tác động bất lợi đến phụ nữ
Trên toàn cầu, chứng sa sút trí tuệ có tác động bất lợi đối với phụ nữ. Sáu mươi lăm phần trăm (65%) ca tử vong do sa sút trí tuệ là phụ nữ và Số năm sống được điều chỉnh theo mức độ bệnh tật (DALYs) do sa sút trí tuệ ở nữ giới cao hơn 60% so với nam giới. Bên cạnh đó, phụ nữ là lực lượng chủ yếu chăm sóc không chính thức cho người bị sa sút trí tuệ, chiếm tới 70% số giờ chăm sóc.
Quyền con người
Thật không may, người mắc chứng sa sút trí tuệ thường bị từ chối các quyền và tự do cơ bản dành cho người bình thường. Tại nhiều quốc gia, mặc dù các quy định được ban hành nhằm duy trì quyền tự do và lựa chọn của con người, các biện pháp hạn chế hóa học và vật lý vẫn được sử dụng rộng rãi ở các trại dưỡng lão và tại những nơi chăm sóc cấp cứu.
Điều cần thiết là có một môi trường luật pháp phù hợp và hỗ trợ dựa trên các tiêu chuẩn quyền con người được quốc tế công nhận để đảm bảo chất lượng chăm sóc cao nhất cho những người bị mắc chứng sa sút trí tuệ và người chăm sóc họ.
Nguồn
- National Institute of Aging (2022), What Is Dementia? Symptoms, Types, and Diagnosis https://www.nia.nih.gov/health/what-is-dementia. Truy cập ngày 28/9/2022
- WHO (2022), Dementia, https://www.who.int/news-room/fact-sheets/detail/dementia. Truy cập ngày 27/9/2022