“To hear for life, listen with care!” (Để nghe suốt đời, hãy nghe cẩn thận – tạm dịch) là thông điệp của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho ngày Thính giác Thế giới 2022 (ngày 03/3/2022). Với thông điệp này, WHO tập trung vào tầm quan trọng của việc lắng nghe an toàn như là một biện pháp để duy trì thính giác tốt trong suốt cuộc đời.
Điếc và mất thính giác
Một người bị coi là mất thính giác khi họ không thể nghe tốt như người có thính giác bình thường, nghĩa là có ngưỡng nghe ở mức 20dB hoặc tốt hơn, ở hai tai. Có nhiều mức độ của mất thính giác: từ nhẹ, vừa, nặng hoặc rất nặng và có thể ảnh hưởng đến một hoặc cả hai tai.
Điếc và mất thính giác phổ biến ở khắp các quốc gia và khu vực. Hiện tại, hơn 1,5 tỉ người (gần 20% dân số toàn cầu) sống chung với tình trạng khiếm thính. Trong đó, 430 triệu người bị mất thính giác và dự đoán con số này là hơn 700 triệu vào năm 2050.
Trên toàn thế giới, 34 triệu trẻ em bị điếc hoặc mất thính giác, trong đó 60% các trường hợp là do các nguyên nhân có thể phòng ngừa được. Ở nửa cuối cuộc đời, xấp xỉ 30% người lớn hơn 60 tuổi có tình trạng mất thính giác.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ước tính rằng 50% các trường hợp mất thính giác có thể phòng ngừa được bằng các biện pháp y tế công cộng. Một số chiến lược phòng ngừa nhắm vào sự lựa chọn lối sống cá nhân như việc tiếp xúc với âm thanh và âm nhạc hoặc sử dụng các trang bị bảo hộ như nút tai. Điều này có thể được hỗ trợ thông qua việc thực hiện các tiêu chuẩn âm thanh cho hệ thống và thiết bị âm thanh cá nhân.
Nhằm hiểu rõ hơn về vấn đề này, bài viết cung cấp những giải đáp của WHO liên quan đến chủ đề: “Điếc và mất thính giác: nghe an toàn”.
Âm thanh lớn có ảnh hưởng đến tai như thế nào?
Tế bào cảm giác ở tai giúp chúng ta nghe. Tiếp xúc với âm thanh lớn lâu dài có thể làm các tế bào cảm giác này mệt mỏi. Kết quả dẫn tới mất thính giác hoặc ù tai tạm thời. Ví dụ, một người sau khi nghe một buổi hòa nhạc âm thanh lớn có thể cảm thấy nghe kém và bị ù tai. Điều này sẽ được cải thiện khi các tế bào cảm giác hồi phục. Tuy nhiên, với việc tiếp xúc với âm thanh lớn thường xuyên và kéo dài, các tế bào cảm giác và các cấu trúc khác của tai có thể bị tổn thương vĩnh viễn, dẫn tới mất thính giác do tiếng ồn, ù tai không phục hồi hoặc cả hai. Mất thính giác do tiếp xúc âm thanh lớn được gọi là mất thính giác do tiếng ồn (noise-induced hearing loss – NIHL).
Mất thính giác do tiếng ồn có thể xuất hiện ngay lập tức (ví dụ như khi tiếp xúc với âm thanh lớn đột ngột); tuy nhiên, thường gặp là mất thính giác từ từ, vĩnh viễn và thường không được chú ý hoặc không được quan tâm cho tới khi ảnh hưởng trở nên rõ ràng. Lúc đầu, bạn có thể chỉ gặp khó khăn khi nghe một vài âm thanh có cường độ cao như tiếng chuông hoặc tiếng chim hót. Khi tiến triển, mất thính giác do tiếng ồn có thể dẫn tới khó khăn trong giao tiếp với người khác, đặc biệt ở những nơi ồn ào như nhà hàng hoặc chợ.
Tôi có thể bảo vệ thính giác khỏi âm thanh lớn như thế nào? Nghe an toàn là gì?
Thuật ngữ “nghe an toàn” đơn giản là mô tả hành vi nghe cụ thể mà không để thính giác của bạn gặp nguy hiểm.
Âm lượng của âm thanh, thời gian nghe và tần suất thường xuyên tiếp xúc với âm thanh lớn đều ảnh hưởng đến thính giác. Cường độ âm thanh càng lớn và thời gian nghe càng lâu thì nguy cơ mất thính giác càng nhiều. Ví dụ, bạn có thể nghe an toàn với mức độ âm thanh 80dB tới 40 giờ một tuần. Nếu mức độ âm thanh là 85dB, thời gian nghe an toàn giảm xuống còn 12,5 giờ/tuần. Hãy thực hiện những chỉ dẫn sau để bảo vệ thính giác của bạn:
- Giảm âm lượng. Điều này có thể thực hiện bằng cách thiết lập mức độ âm lượng trên thiết bị của bạn không quá 60% mức tối đa. Nếu bạn đang dùng một ứng dụng theo dõi âm thanh, tốt nhất là để nó dưới mức 80dB.
- Sử dụng tai nghe vừa vặn và khử tiếng ồn để giảm nhu cầu tăng âm lượng trong các tình huống ồn ào.
- Ở những nơi ồn ào, hãy sử dụng thiết bị bảo vệ tai như nút tai.
- Luôn luôn tránh xa các nguồn âm thanh như loa, máy móc gây tiếng ồn …
- Hạn chế thời gian tiếp xúc với các hoạt động ồn ào. Để cho tai được thường xuyên tránh khỏi các âm thanh lớn. Điều này giúp cho các tế bào cảm giác bên trong tai được phục hồi.
- Theo dõi mức độ âm thanh. Điều này có thể được thực hiện bằng sử dụng các ứng dụng. Chọn các thiết bị có tích hợp tính năng nghe an toàn cho phép bạn theo dõi mức độ tiếp xúc âm thanh của mình.
- Chú ý tới các dấu hiệu cảnh báo của mất thính giác. Liên hệ với các chuyên gia nếu bạn bị ù tai dai dẳng hoặc khó nghe các âm thanh cường độ cao và khó theo dõi các cuộc đối thoại.
Độ ồn được đo như thế nào?
Đơn vị đo được dùng để mô tả cường độ của âm thanh là decibel (dB). Một tiếng nói thầm có cường độ khoảng 36dB và cuộc nói chuyện thông thường là xấp xỉ 60dB. Bảng 1 trình bày một số ví dụ về cường độ một số âm thanh khác nhau.
Tôi có thể nghe nhạc trong bao lâu?
Thời gian nghe an toàn giảm xuống rất nhanh khi cường độ âm thanh tăng lên. Ví dụ, nếu một người nghe mức âm lượng trung bình 80dB, người đó có thể nghe an toàn tới 40 giờ một tuần. Tuy nhiên, nếu bạn chọn nghe ở mức âm lượng 90dB, thời gian nghe an toàn của bạn chỉ còn 4 giờ/tuần. Thời gian nghe an toàn trong một tuần cho các loại cường độ âm thanh khác nhau và ví dụ về các loại âm thanh được thể hiện bằng decibel được trình bày ở bảng 1 dưới đây:

Bạn có thể kiểm tra và theo dõi mức độ decibel tại môi trường của bạn hoặc mức độ decibel của thiết bị nghe nhạc của bạn bằng việc sử dụng các ứng dụng.
Tôi có thể kiểm tra và theo dõi mức độ âm thanh như thế nào?
Hầu hết chúng ta không biết âm lượng ở môi trường xung quanh hoặc trong tai nghe của chúng ta là bao nhiêu tính bằng decibel (dB). Nhiều ứng dụng sẵn có có thể được sử dụng để kiểm tra mức độ âm thanh trong môi trường của bạn như ứng dụng NIOSH-SLM. Bạn có thể tải xuống ứng dụng này hoặc các ứng dụng khác tương tự và xem mức độ decibel mà bạn đang nhận được. Mức độ âm thanh dưới 80dB thì hầu như không gây tổn thương thính giác. Khi cường độ âm thanh tăng lên, khả năng tổn thương tai của bạn cũng tăng lên.
Các ứng dụng có thể được tải về trên điện thoại thông minh có thể cho bạn biết mức độ âm thanh của âm nhạc bạn đang nghe qua tai nghe của bạn. Một số điện thoại thông minh được tích hợp các ứng dụng nghe an toàn để giám sát mức độ âm thanh và thời gian bạn nghe để ước đoán nguy cơ tổn thương tai của bạn. Nếu bạn tăng âm lượng lên trên một ngưỡng nhất định, các ứng dụng như vậy sẽ phát một tin nhắn cảnh báo giúp bạn tuân thủ mức độ nghe an toàn.Ví dụ một số ứng dụng như: dBTrack và HearAngel.
Bạn nên dùng những ứng dụng này để thực hành nghe an toàn.
Nếu bạn không có ứng dụng, hãy kiểm tra xem bạn có cần phải cao giọng để người đứng cách bạn một sải tay có thể nghe thấy bạn nói không? Nếu câu trả lời là có, âm lượng là quá cao.
Tiếp xúc một lần với âm thanh quá lớn có thể gây mất thính giác không?
Có, dù chỉ một lần tiếp xúc với âm thanh cực lớn cũng có thể gây tổn thương các tế bào trong tai và dẫn tới mất thính giác.
Làm sao để biết thính giác của tôi bị tổn thương?
Bạn có thể bị mất thính giác nếu bạn có các biểu hiện sau:
- Ù tai dai dẳng
- Khó nghe âm thanh có cường độ cao (tiếng chim hót, tiếng chuông cửa, chuông điện thoại, chuông báo thức).
- Khó hiểu lời nói, đặc biệt là qua điện thoại.
- Khó theo dõi các cuộc nói chuyện trong môi trường ồn ào như nhà hàng, chợ hoặc nơi tụ họp đông người.
Nếu bạn nghĩ bạn có bất kỳ một trong những vấn đề trên, bạn nên đi kiểm tra thính giác. WHO đã phát triển ứng dụng hearWHO để bạn có thể kiểm tra thính giác của bạn bất cứ lúc nào.
Ù tai là gì?
Ù tai là tiếng chuông, tiếng vo ve hoặc âm thanh khác không phát ra từ nguồn bên ngoài. Nhiều người bị ù tai sau khi nghe nhạc quá to và một thời gian sau tình trạng ù tai này sẽ biến mất. Điều này là do sự mệt mỏi của các tế bào cảm giác và thường thoáng qua. Thỉnh thoảng, ù tai có thể dai dẳng, đặc biệt là sau khi tiếp xúc nhiều lần với âm nhạc và tiếng động lớn khác.
Ù tai dai dẳng có thể là biểu hiện thính giác của bạn đang bị tổn thương. Tuy nhiên, có nhiều tình trạng sức khỏe khác có thể dẫn tới hoặc liên quan đến ù tai. Trong trường hợp ù tai dai dẳng, điều quan trọng là nên đi khám để được tư vấn.
Tôi nên làm gì nếu tôi nghi ngờ bị mất thính giác?
Nếu bạn có các dấu hiện cảnh báo của tình trạng mất thính giác, bạn nên được kiểm tra thính giác. WHO đã phát triển ứng dụng hearWHO để bạn có thể kiểm tra thính giác của bạn bất cứ lúc nào. Bạn cũng có thể kiểm tra thính giác của mình bằng cách tham khảo ý kiến của một chuyên gia về thính giác.
Quan trọng là có các hành động phòng ngừa và hạn chế tiếp xúc với âm thanh lớn. Điều này có thể hạn chế nguy cơ tiến triển tình trạng mất thính giác.
Sử dụng tai nghe trong thời gian dài có làm ảnh hưởng đến thính giác không?
Trong đại dịch Covid-19, chúng ta phải chuyển sang làm việc và học tập trực tuyến tại nhà nhiều giờ trong ngày nên chúng ta phải sử dụng máy tính và các thiết bị khác. Bên cạnh đó, nhiều người còn chơi trò chơi điện tử, nghe nhạc để giải trí. Do đó, có thể chúng ta phải sử dụng tai nghe thường xuyên. Vì vậy, chúng ta nên tuân thủ các hướng dẫn về nghe an toàn để làm giảm nguy cơ mất thính giác:
- Khuyến khích sử dụng loa tích hợp hoặc loa ngoài để nghe; tránh sử dụng tai nghe nếu có thể.
- Nếu phải dùng tai nghe, nên dùng tai nghe vừa vặn và chống ồn, ưu tiên các loại tai nghe có tính năng nghe an toàn được trang bị sẵn tính năng theo dõi việc tiếp xúc âm thanh và hạn chế âm lượng.
- Tải xuống và sử dụng các ứng dụng có thể hạn chế âm lượng và theo dõi nguy cơ mất thính giác của bạn. Một số ứng dụng như vậy có thể tìm thấy trên kho ứng dụng của Apple hoặc Google Play.
- Giảm âm lượng xuống dưới 60% mức tối đa của thiết bị.
- Giải lao giữa các cuộc gọi; hạn chế tiếp xúc tiếng ồn trong thời gian nghỉ.
- Đối với trẻ em khi không có tiết học, khuyến khích trẻ rời xa máy tính hoặc các thiết bị; nghỉ ngơi trong môi trường yên tĩnh để tai được nghỉ ngơi. Hạn chế tiếp xúc với tiếng ồn trước và sau khi có tiết học.
- Giảm thời gian nghe các âm thanh lớn.
Tôi làm việc ở nơi ồn ào.Tôi có thể bảo vệ thính giác như thế nào?
Môi trường làm việc ồn ào có thể có nguy cơ đối với thính giác. Bạn nên thực hiện những biện pháp sau để bảo vệ: - Đeo thiết bị bảo vệ thính giác như nút tai hoặc bịt tai.
- Chuyển vị trí làm việc tránh xa nguồn tiếng ồn nếu có thể.
- Nghỉ giải lao ở nơi có mức độ tiếng ồn thấp.
- Tránh các thú vui tiêu khiển ồn ào mà có thể tăng nguy cơ mất thính giác.
- Thảo luận với người sử dụng lao động về cách có thể làm giảm nguy cơ mất thính giác.
- Kiểm tra thính giác của bạn hàng năm.
Tôi thường đến các câu lạc bộ, vũ trường, trò chơi hoặc các buổi hòa nhạc ồn ào. Tôi có thể bảo vệ tai như thế nào?
Khi bạn ở trong một môi trường ồn ào, hãy đảm bảo rằng: - Tránh xa loa và thiết bị khuếch đại âm thanh. Cường độ âm thanh sẽ giảm xuống khi bạn ở xa các nguồn âm thanh.
- Đeo nút tai thường xuyên và đúng cách vì điều này có thể làm giảm đáng kể cường độ âm thanh tới tai của bạn.
- Để cho tai nghỉ ngơi trong không gian yên tĩnh khoảng 10 phút sau mỗi giờ.
Sử dụng nút tai và các thiết bị bảo vệ thính giác đúng cách như thế nào?
Các nút tai phổ biến nhất được làm từ xốp hoặc vật liệu tương tự và có thể được mua với giá rẻ ở nhà thuốc, siêu thị… Đảm bảo nút tai được sử dụng đúng cách như sau: - Cuộn nút tai giữa ngón cái và ngón trỏ để nén nó lại.
- Dùng tay kia kéo tai lên trên và ra sau. Điều này sẽ làm tăng độ mở của ống tai.
- Nhét nút tai vào ống tai đến độ sâu thoải mái và giữ nó bằng ngón tay cho tới khi nó nở ra và ở vị trí chắc chắn. Nhét nút tai đúng cách có thể làm giảm mức độ tiếp xúc với âm thanh đáng kể, giảm nguy cơ tổn thương thính giác của bạn.

Bạn cũng có thể sử dụng các thiết bị bảo vệ thính giác khác như bịt tai che phủ toàn bộ tai ngoài; các thiết bị bảo vệ khác được chế tạo riêng.
Ths.BS Nguyễn thu Hương
Nguồn:
- WHO (2022), World hearing day 2022, https://www.who.int/campaigns/world-hearing-day/2022. Truy cập ngày 01/3/2022
2. WHO (2022), Deafness and hearing loss, https://www.who.int/health-topics/hearing-loss#tab=tab_1. Truy cập ngày 01/3/2022 - WHO (2022), Deafness and hearing loss: Safe listening, https://www.who.int/news-room/questions-and-answers/item/deafness-and-hearing-loss-safe-listening. Truy cập ngày 01/3/2022