Ngộ độc nấm

  1. Tình hình ngộ độc nấm trong 6 tháng đầu năm 2023

Theo các báo cáo ngộ độc thực phẩm từ các địa phương gửi về Viện Y tế công cộng TP. Hồ Chí Minh và thông tin từ các trang báo, trong 6 tháng đầu năm 2023 cả nước đã xảy ra các vụ ngộ độc do ăn nấm lạ hái trong rừng hay nương rẫy, như nấm giống nấm trứng gà, trứng ngỗng, nấm đen xám, nấm mọc trên xác ve sầu hay nấm xốp đỏ. Các triệu chứng chung gồm có nôn, đau bụng, tiêu chảy, chóng mặt. Một số trường hợp nặng bị suy gan, suy thận, rối loạn đông máu và thậm chí tử vong.

Điển hình là vụ ngộ độc nấm xảy ra ngày 18/2/2023 trong một gia đình tại xã Mai Hịch, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình có 6 người mắc. Trong đó, 1 người bị sốc giảm thể tích nặng, có các dấu hiệu nhiễm toan, tổn thương nhiều ở ruột, tụy, tim, rối loạn đông máu nặng, suy gan, suy thận, suy tim cấp. Bệnh nhân được điều trị tích cực và qua cơn nguy hiểm. Một người suy đa tạng và tử vong sau 5 ngày ăn nấm. Căn cứ các đặc điểm ngộ độc, theo chuyên gia đây là vụ ngộ độc nấm loại chứa độc tố amatoxin. Tiếp đó, ngày 6/6/2023, bệnh viện Chợ Rẫy tiếp nhận 3 người trong cùng gia đình ngụ tại huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh, nghi bị ngộ độc do ăn nấm tự hái trong rừng (giống nấm trứng gà, trứng ngỗng). Do suy hô hấp nặng nên người chồng đã tử vong tại khoa cấp cứu. Người vợ và con gái 17 tuổi trong tình trạng suy gan cấp, men gan tăng rất cao kèm theo rối loạn đông máu. Người vợ diễn tiến xấu, đã tử vong sau đó. Sức khoẻ người con được cải thiện và xuất viện sau 1 tuần điều trị. Cũng tại địa phương này, ngày 10/6 ghi nhận 3 người trong cùng gia đình có biểu hiện ngộ độc sau khi ăn món mì xào nấm tự hái.

Nạn nhân vụ ngộ độc Gyrommitrin ngày 6/6/2023 sau khi ăn nấm mọc từ xác ve sầu xảy ra tại tỉnh Đồng Nai gồm bé trai 10 tuổi và mẹ. Cả 2 mẹ con bị đau bụng quặn từng cơn, chóng mặt, nôn ói. Bé trai được chuyển đến bệnh viện Nhi đồng 2 trong tình trạng còn hôn mê, rối loạn nhịp tim nặng và tổn thương gan, thận.

Ngày 20/6/2023, tại Lai Châu đã xảy ra vụ ngộ độc nấm dại làm 14 người phải nhập viện cấp cứu với các biểu hiện như: đau đầu, buồn nôn và nôn, tiêu chảy. Rất may, không có trường hợp nào nguy hiểm đến tính mạng. Cùng ngày, tại bệnh viện đa khoa Lạng Sơn cấp cứu cho nam bệnh nhân 37 tuổi trong tình trạng đau bụng quanh rốn, nôn, tiêu chảy, có dấu hiệu tổn thương tế bào gan, rối loạn điện giải, toan chuyển hóa, suy thận cấp. Người bệnh bị ngộ độc do nghi ăn phải nấm xốp Russula đỏ có độc, có hình dạng gần giống với nấm Chẹo đỏ – một loại nấm có thể ăn được.

Dưới đây là một số hình ảnh về các loại nấm trong các vụ ngộ độc nấm đã xảy ra vừa qua:

Loại nấm trong vụ ngộ độc ngày 10/6/2023 ở Tân BiênLoại nấm gây ngộ độc nặng cho mẹ con bé trai 10 tuổi ở Đồng Nai
Loại nấm gây ngộ độc cho nam bệnh nhân ở Lạng SơnLoại nấm gây ngộ độc cho 14 người tại Lai Châu vào ngày 20/6/2023

2. Phân loại nấm độc [1]

2.1. Phân loại theo độc tố, nấm độc gồm 8 nhóm:

– Amatoxin (Cyclopolypeptid): Amanita verna, A. virosa, A. phalloides, Galerina autumnalis, Lepiota brunneoincarnata,...

– Gyromitrin (Monomethylhydrazin): Gyromitra esculenta, G. infula,…

– Orellanin: Cortinarius orellanus, C. speciosissimus, C. Splendens,….

– Muscarin: Inocybe fastigiata, Clitocybe dealbata,..

– Ibotenic Acid và Muscimol: Amanita muscaria, A. pantherina,…

– Coprin: Coprinus atramentarius, Coprinus disseminatus,…

– Psilocybin và Psilocin: Các loài nấm thuộc 4 chi là Psilocybe, Panaeolus,  Conocybe và Gymnopilus.

– Các chất gây rối loạn tiêu hóa: Chlorophyllum molybdites, Russula foetens, Omphalotus nidiformis…

2.2. Phân loại nấm độc theo thời gian tác dụng: 

– Nấm độc tác dụng chậm: Các triệu chứng đầu tiên xuất hiện muộn, thường từ 6 đến 40 giờ (trung bình 12 giờ) sau khi ăn nấm và thường gây chết người. Ví dụ: Amanita verna, Amanita virosa, Amanita phalloides, … Tỷ lệ tử vong trên 50%. 

– Nấm độc tác dụng nhanh: Các triệu chứng đầu tiên xuất hiện trước 6 giờ sau ăn nấm. Ví dụ: Inocybe fastigiata, Chlorophyllum molybdites… Thường bệnh nhân hồi phục tốt nếu được áp dụng kịp thời các biện pháp cấp cứu hồi sức cơ bản.

3. Triệu chứng ngộ độc nấm [3]

Nấm độc chứa nhiều loại độc tố khác nhau. Các triệu chứng ngộ độc nấm có thể thay đổi từ kích ứng nhẹ đường tiêu hoá đến suy nội tạng dẫn đến tử vong. Các triệu chứng nghiêm trọng không phải lúc nào cũng xảy ra ngay sau khi ăn, thường là cho đến khi chất độc phân bố ở thận hoặc gan, đôi khi vài ngày hoặc vài tuần sau đó.

Các biểu hiện lâm sàng khác nhau tùy thuộc vào loài nấm và độc tố ăn vào. Một số biểu hiện thường thấy:

– Viêm dạ dày ruột cấp tính: thường gặp khi ăn phải nấm Chlorophyllum molybdites. Các triệu chứng buồn nôn, nôn, đau quặn bụng và có thể tiêu chảy do ăn phải nấm độc chiếm phần lớn các vụ ngộ độc được báo cáo. Triệu chứng biểu hiện trong vòng 1 – 3 giờ.

– Ảo giác: gây ra bởi các loài chứa psilocybin và psilocin bao gồm Psilocybe, Conocybe, GymnopilusPanaeolus. Ăn phải loại này có thể là mũ nấm tươi hoặc nấm khô. Biểu hiện thay đổi cảm giác và hưng phấn xảy ra từ 30 phút đến 2 giờ sau khi ăn và thường kéo dài từ 4 – 12 giờ tùy thuộc vào lượng nấm ăn vào.

– Độc tính cholinergic: Gây ra bởi các loài chứa muscarine như ClitocybeInocybe. Mặc dù Amanita muscari chứa một lượng nhỏ muscarine, nhưng mức độ này thường không đủ để gây ra biểu hiện cholinergic. Tác dụng của cholinergic như chuột rút bụng, toát mồ hôi, tiết nước bọt, chảy nước mắt, co thắt phế quản và nhịp tim chậm thường xảy ra trong vòng 30 phút. Thời gian ủ bệnh phụ thuộc vào liều lượng độc tố.

– Phản ứng giống disulfiram: Gây ra bởi các loài có chứa coprine như Coprinus atramentarius (“mũ mực”). Các chất chuyển hóa của độc tố ức chế enzyme aldehyde dehydrogenase gây nên đau đầu, buồn nôn, nôn, đỏ bừng, nhịp tim nhanh và hiếm khi hạ huyết áp. Điều này chỉ xảy ra nếu uống rượu vài giờ đến vài ngày sau khi ăn nấm có chứa coprine. Uống đồng thời rượu và chất độc sẽ làm giảm tác dụng do quá trình chuyển hóa coprine thành các chất chuyển hóa độc hại của nó diễn ra chậm hơn.

– Nhiễm độc gan: Gây ra bởi độc tố amatoxin ở các loài Galerina, Lepiota và đặc biệt là Amanita. Chúng phá vỡ RNA polymerase II, dẫn đến thiếu hụt protein ở cấp độ tế bào. Đặc tính ngộ độc thể hiện qua ba giai đoạn riêng biệt. Tác động đến hệ tiêu hóa thường bắt đầu từ 6 – 12 giờ sau khi ăn phải, sau đó là khoảng thời gian không hoạt động 24 – 36 giờ sau khi tiêu thụ nấm với sự cải thiện triệu chứng. Tuy nhiên, trong giai đoạn này, có thể có các dấu hiệu nhiễm độc gan. Sau 48 giờ, tổn thương gan tăng lên, dẫn đến suy gan và các di chứng kèm theo. Bệnh nhân có thể tử vong trong vòng một tuần trong trường hợp nghiêm trọng hoặc cần phải ghép gan.

– Nhiễm độc thận: Các loài của chi Cortinarius sản xuất orellanine, một tác nhân gây độc cho thận. Các triệu chứng thận có thể kéo dài 1 – 2 tuần sau khi ăn phải nấm này. Độc tính trên thận cũng là hậu quả của độc chất allenic norleucine được tìm thấy phổ biến nhất ở loài Amanita smithiana, nhưng cũng hiện diện ở các loài Amanita khác. Biểu hiện điển hình bao gồm các triệu chứng viêm dạ dày ruột cấp tiến triển thành tổn thương thận trong 12 – 24 giờ. Mặc dù một số bệnh nhân sẽ cần chạy thận nhân tạo, nhưng hầu hết bệnh nhân đều hồi phục hoàn toàn với sự chăm sóc hỗ trợ thích hợp.

– Động kinh: Gây ra bởi gyromitrin có trong các loài Gyromitra, PaxinaCyathipodia micropus. Độc tính bắt nguồn từ một chất chuyển hóa, monomethylhydrazine, đưa đến pyridoxine (B6) và cuối cùng là sự cạn kiệt GABA. Do đó, những cơn co giật này có thể khó điều trị bằng liệu pháp chống co giật và có thể cần điều trị bổ sung pyridoxine

Các biểu hiện khác: Với các loại nấm có thể ăn phải, nhiều biểu hiện lâm sàng khác có thể xảy ra, như đau đầu, chóng mặt, buồn ngủ, đánh trống ngực, rối loạn nhịp tim, tiêu cơ vân (Tricholoma equestre), methemoglobin huyết, tán huyết (Paxillus involutus), đau ban đỏ (axit acromelic), viêm da (nấm shiitake) và chuột rút.

4. Nhận diện một số loài nấm độc [1]

4.1. Nhận diện nấm độc trắng (Amanita exitialis)

– Mũ nấm: màu trắng, ở đỉnh mũ nấm có sắc thái màu kem với đường kính khoảng 4 – 8 cm. Mép của của mũ nấm không trơn tru và thịt nấm màu trắng.

– Phiến nấm: màu trắng, mịn.

– Cuống nấm: màu trắng, đôi khi được bao phủ bởi các thớ dạng sợi, có vòng nấm ở gần sát với mũ, chiều dài cuống nấm từ 7 – 9 cm với đường kính 0,5 – 2 cm và bao gốc dạng đài hoa dưới đáy cuống.

– Nơi sống: mọc đơn độc hay thành từng đám trong các khu rừng từ đầu mùa xuân sang mùa hè.

– Khả năng gây độc: gây độc chết người.

4.2. Nhận diện nấm độc trắng hình nón (Amanita virosa)

– Mũ nấm: màu trắng, đôi khi có sắc thái vàng ở đỉnh, khi non hình nón, trưởng thành nâng lên thành hình chuông, khi già vươn rộng, mép mũ cuộn lại. Đường kính khoảng 4 – 10 cm.

– Phiến nấm: màu trắng, hẹp, đính tự do.

– Cuống nấm: màu trắng, dài 5 – 15cm, có sợi gấp nếp hoặc có vảy nhỏ phủ trên bề mặt. Phía trên cuống mang màng mỏng, xẻ thùy. Có vòng nấm phía trên cuống và bao gốc dạng đài hoa dưới đáy cuống.           

– Nơi sống: nấm mọc đơn độc hay thành từng đám trong các khu rừng từ mùa hè đến mùa thu.

– Độc tố chính: các amanitin (amatoxin), có độc tính cao có khả năng gây chết người.

4.3. Nhận diện nấm độc (Amanita fuligineoides)

– Mũ nấm: màu xám, nâu xám, đến đen, thường sẫm màu ở trung tâm, đường kính 7 – 14 cm.

– Phiến nấm: màu trắng.

– Cuống nấm: màu trắng đến hơi xám, cứng, chiều dài 10 – 20 cm, đường kính 0,8 – 1,5 cm, có sợi gấp nếp hoặc có vảy nhỏ màu nâu xám phủ trên bề mặt. Có vòng nấm phía trên cuống và bao gốc dạng đài hoa dưới đáy cuống.

– Nơi sống: mọc đơn độc hay thành từng đám trong các khu rừng từ mùa hè sang mùa thu.

– Khả năng gây độc: gây độc chết người.

4.4. Nhận diện nấm độc ô phiến xanh (Chlorophyllum molybdites)

– Mũ nấm: non dạng hình cầu, trưởng thành có dạng bán cầu dẹp đến phẳng, có khi lõm xuống; có vảy nâu hay xám nhạt phủ trên bề mặt; đường kính từ 4 – 9 cm hoặc 15 – 20 cm.

– Phiến nấm: đính tự do, rộng; non màu trắng khi già chuyển thành xanh nhạt hoặc xám.

– Cuống nấm: chiều dài từ 7 – 15 hoặc 20 – 30 cm, gốc phình to, cuống nấm chuyển màu nâu hồng khi chạm tay vào.

– Nơi sống: mọc đơn độc hay thành cụm lớn vào mùa nóng ẩm.

– Khả năng gây độc: gây độc đường tiêu hóa.

4.5. Nhận diện nấm xốp đỏ (Russula emetica)

– Mũ nấm: màu đỏ tươi, đỏ máu, đỏ nâu tím và thường nhạt màu đi, trở nên vàng hay trắng; non hình chuông, già dạng bán cầu và trải thành dạng bán cầu dẹp, phẳng hay hơi trũng xuống; bề mặt nhẵn bóng; đường kính 5 – 10 cm.

– Phiến nấm: màu trắng, dưới biểu bì hơi hồng xốp.

– Cuống nấm: màu trắng, có sắc thái hồng, hình trụ, hơi tròn ở gốc; non rắn chắc, khi già mềm, xốp, đặc; chiều dài từ 5 – 8 cm với đường kính 1 – 2 cm.

– Nơi sống: nấm mọc đơn độc trong rừng vào mùa nóng ẩm.

– Khả năng gây độc: gây độc đường tiêu hóa.

4.6. Nhận diện nấm trứng vỏ cứng (Scleroderma citrinum)

– Quả thể: màu vàng cho đến vàng nâu, hình tròn đến dạng củ; đường kính quả thể 5 – 10 cm, phía ngoài quả thể phủ vảy dày.

– Cuống nấm: hầu như không có.

– Nơi sống: nấm mọc trên đất rừng.

– Khả năng gây độc: gây độc đường tiêu hóa.

5. Phòng chống và xử lý ngộ độc do nấm độc [2]

5.1. Xử lý ngộ độc nấm

Không có thuốc điều trị đặc hiệu; chủ yếu điều trị căn nguyên và triệu chứng:

– Trong trường hợp phát hiện bệnh nhân ngộ độc thực phẩm liên quan đến nấm, cần thông báo cho các cơ quan y tế và vận chuyển nạn nhân đến bệnh viện.

– Gây nôn, rửa dạ dày càng sớm càng tốt, uống than hoạt tính với liều 1 – 2 g/kg thể trọng kèm theo 4 – 6 gói sorbitol (có thể cho uống lòng trắng trứng).

– Tăng cường thải độc tố, duy trì chức năng sống (trợ tim, trợ hô hấp, chống co giật, chống phù phổi cấp).

– Xét nghiệm, theo dõi và điều chỉnh chất điện giải trong máu.

5.2. Dự phòng ngộ độc nấm 

– Không nên hái nấm hoang dại để ăn 

– Tăng cường truyền thông phòng chống ngộ độc nấm trong cộng đồng, nhất là tại các địa phương thường xảy ra ngộ độc nấm độc. Xây dựng mẫu tranh, tờ rơi, băng hình về các loài nấm độc thường gây ngộ độc ở Việt Nam để phục vụ công tác tuyên truyền. 

– Cần bác bỏ một số quan niệm sai lầm sau đây: 

“Nấm độc thường có màu sặc sỡ” – điều này là không đúng. Ví dụ: Loài nấm thường gây chết người ở các tỉnh phía Bắc nước ta là các loài nấm có màu trắng tinh khiết (nấm độc tán trắng và nấm độc trắng hình nón). 

“Nấm có sâu bọ, côn trùng ăn là không độc” – điều này không đúng. Độc tố nấm không tác dụng đối với côn trùng, sâu bọ, kiến, ốc sên. 

“Thử cho động vật ăn trước nếu không chết là nấm không độc” – điều này chỉ đúng với một số loài nấm và một số loài động vật. Nhiều loài động vật không nhạy cảm với độc tố amatoxin qua đường tiêu hóa. Hơn nữa loài nấm có amatoxin gây chết người trung bình phải 12 giờ sau ăn nấm mới xuất hiện triệu chứng đầu tiên và động vật thường chết ở ngày thứ 5 – 7 sau ăn nấm. + “Thử nấm bằng thìa bạc, đũa bạc nếu có chuyển màu là nấm độc” – điều này là không đúng. Độc tố nấm không làm bạc chuyển màu.

  1. Bộ Y tế. Hướng dẫn chẩn đoán và xử trí ngộ độc. (2015). In: Quyết định số 3610/QĐ-BYT ngày 31/8/2015.
  2. Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia. Sổ tay phòng chống ngộ độc nấm “Dùng trong tuyên truyền phòng chống nguy cơ ngộ độc nấm tại các tỉnh miền núi phía Bắc”.

Tran HH, Juergens AL. Mushroom Toxicity. (Updated 2023 Feb 5). In: StatPearls [Internet]. Treasure Island (FL): StatPearls Publishing; 2023 Jan-. Available from: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK537111/

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *